Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” trên mảnh đất địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc làm thức tỉnh các dân tộc thuộc địa bị áp bức vùng dậy đấu tranh để giành độc lập. Những ký ức về chiến tranh gian khổ, hào hùng được lưu giữ, tái hiện chân thực thông qua những tài liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong số rất nhiều tài liệu hiện vật tiêu biểu đó có chiếc Bàn chà của người dân Điện Biên đã sử dụng để nạo củ sắn, củ mài, tích lũy thực phẩm cung cấp và tiếp tế cho cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cuối năm 1953, Thực đân Pháp cho quân nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh chiếm đóng Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây trở thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh. Thời điểm đó, người dân địa phương đang thu hoạch mùa vụ, những ruộng lúa chín vàng bị quần nát bởi binh lính nhảy dù và các loại máy bay. Những ruộng lúa gần điểm đóng quân của Pháp đã bị đốt hoặc xe tăng quần nát. Chỗ xa chúng cho máy bay thả bom lửa, bom phá. Quân Pháp đã cho binh lính càn quét khắp các bản làng, vơ vét lương thực, thực phẩm, bắt bớ người dân đi lính, đi phu làm không công cho Pháp, ngoài ra quân Pháp còn tháo dỡ nhà dân về xây dựng các cứ điểm quân sự. Trước sự tàn phá của giặc Pháp, người dân phải sơ tán vào rừng ở.

 Gia đình ông Tuy - một người dân sống trong lòng trảo Điện Biên cùng dân bản đưa các đàn trâu, bò vào rừng tránh nạn. Trong một lần đi thu, nhặt lúa trên cánh đồng cháy loang lổ, ông Tuy nhặt được mảnh sắt mỏng của Thực dân Pháp bỏ lại. Từ một mảnh sắt bỏ đi nhưng khi đến tay người nông dân thì nó trở thành vật dụng vô cùng hữu ích. Với sự cần cù, sáng tạo, ông Tuy đã tạo ra những chiếc Bàn chà dùng để nạo củ sắn, củ mài. Cuộc sống của người dân trong những ngày bị giặc chiếm đóng vô cùng cực khổ, phải sống ẩn nấp trong rừng, nguồn lương thực chính được thay thế bằng các loại củ, rau trong rừng. Hàng ngày, đàn ông vào rừng săn bắn, tìm củ rừng, chị em phụ nữ, người già ở lại chế biến và nấu nướng. Chiếc Bàn chà được bà con dân làng dùng để mài, nạo các loại củ thành sợi nhỏ, đem phơi, cải thiện các bữa ăn hàng ngày. Với cách làm này gia đình ông Tuy đã giúp đỡ bà con dân làng xung quanh cùng cải thiện bữa ăn vượt qua khó khăn.

Hưởng ứng cuộc vận động của Đảng và Chính phủ về huy động nguồn lương thực, thực phẩm, sức người ngay tại chỗ. Gia đình ông Nguyễn Văn Tuy và dân làng đã bí mật liên lạc với các đơn vị bộ đội quyên góp các đụm lúa, ruộng lúa chưa thu hoạch, đàn trâu, bò thả trong rừng. Ngoài ra ông Tuy còn vận động dân làng vào rừng khai thác các loại củ, quả, rau rừng bí mật tiếp tế, cung cấp bộ đội.

Những củ mài, củ sắn được gia đình ông dùng Bàn Chà nạo thành sợi phơi khô là một trong những loại lương thực được bộ đội yêu thích, bởi từ những sợi sắn, sợi mài có thể chế biến thành các loại bánh hấp, nánh nướng, đồ cùng với xôi. Nhờ có sự ủng hộ và tiếp tế từ nhân dân địa phương, cán bộ chiến sĩ tại mặt trận Điện Biên Phủ có những bữa ăn đầy đủ hơn, phong phú hơn.

Nhân dân địa phương không quản ngại khó khăn, vất vả, hy sinh cung cấp lương thực thực phẩm cũng như đóng góp sức lực tham gia dân công mở đường, sửa đường cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Bằng ý trí và nghị lực, nhân dân Điện Biên không khuất phục trước những âm mưu của kẻ thù, vượt qua gian khổ, tiếp tục sống, cùng với bộ đội chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước. Góp phần tạo nên thành công chung của chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.  

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, gia đình ông Tuy vẫn giữ lại chiếc Bàn chà làm kỉ niệm, đồng thời nhắc nhở thế hệ con cháu biết tiết kiệm, không xa hoa lãng phí, biết yêu thương đùm bọc giúp đỡ mọi người khi khó khăn.

Hiện vật Bàn Chà

Bàn Chà mang số hiệu 04/KL3 - 1, được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cùng với một số hiện vật là đồ dùng của nhân dân địa phương dùng để tiếp tế, chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Thông qua những hiện vật đơn sơ, mộc mạc giới thiệu đến đông đảo du khách gần xa khi đến với bảo tàng biết đến sinh hoạt thường ngày của người dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ, qua đó thấy được tinh thần đoàn kết và nghị lực đấu tranh vượt qua khó khăn giành chiến thắng của người dân Việt Nam.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.641
      Online: 55