Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là nhà khoa học tiên phong trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đát nước; là người vừa trực tiếp làm khoa học, vừa đặt nền móng kiến tạo và phát triển nền khoa học và công nghệ Việt Nam. Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa có những công trình khoa học có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng, đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, từ súng không giật trong kháng chiến chống Pháp đến thiết bị rà phá thủy lôi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa, tên khai sinh là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 trong một gia đình nhà giáo nghèo tại xã Xuân Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Mồ côi cha từ năm 10 tuổi,  Phạm Quang Lễ đã được mẹ và chị gái hết lòng nuôi dưỡng. Năm 1926, ông học xong bậc Tiểu học, tốt nghiệp hạng ưu và ông được cấp học bổng. Suốt bốn năm học ở bậc Trung học đệ nhất cấp, ông là học sinh xuất sắc, thường đạt điểm cao và đứng đầu về các môn khoa học tự nhiên như toán, vật lý, hóa học. Năm 1930, ông tốt nghiệp Trung học phổ thông và tiếp tục học Trung học đề nhị cấp Pestrus Ký, một trong những trường học nổi tiếng nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ. Trong thời gian ông học tại đây, ở Sài Gòn có nhiều hoạt động chống thực dân Pháp nổ ra như hoạt động của cụ Phan Bội Châu, phong trào Xô Viết - Nghệ  Tĩnh, các cuộc bãi công, bãi thị do Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức, khởi nghĩa Yên Bái... Các sự kiến đó đã khơi dậy lòng yêu nước sâu sắc trong giới học sinh, sinh viên, trong đó có người thanh niên Phạm Quang Lễ. Năm 1933, khi mới 20 tuổi, Phạm Quang Lễ đã đỗ xuất sắc hai bằng tú tài: Tú tài Pháp và Tú tài Việt. Tháng 9/1935, ông nhận được học bổng du học bên Pháp của Hội Ái hữu Trường Chasseloup Laubat, Phạm Quang Lễ có cơ hội thực hiện hoài bão của mình. Suốt 11 năm học tập tại Pháp, ông miệt mài nghiên cứu tại Trường Đại học Quốc gia Cầu cống, Trường Đại học Sorbonne, Viện Khí động học, Học viện Thống kê, Trường Cao đẳng kỹ thuật điện. Sau giờ học, Phạm Quang Lễ thường  đến các thư viện để tra cứu sách liên quan đến chế tạo vũ khí. Ông cũng tìm đến những hiệu sách cũ để tìm những quyển sách về đề tài này. Ngoài ra ông còn tham gia các buổi thực nghiệm, đi tham quan các nhà máy, các viện nghiên cứu... nhất là các viện bảo tàng vũ khí.

Sau khi tốt nghiệp các trường đại học (1936 – 1941),  Phạm Quang Lễ luần lượt làm việc tại ba công trường chế tạo máy bay của Pháp. Trong thời gian này, ông đã tiếp thu thêm nhiều kiến thức về pháo, súng máy và bom mìn, đồng thời quan sát các ụ súng của quân đội Pháp chuẩn bị để ứng chiến với Phát xít Đức. Tháng 9/1946, ông cùng với một số tri thức khác theo Bác Hồ về nước để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Ngày 5/12/1946, trước ngày Toàn quốc kháng chiến, tại Bắc Bộ phủ, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho một trọng trách. Bác nói: “Kháng chiến sắp đến nơi rồi. Hôm nay, Bác quyết định giao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới. Chú sẽ chăm lo vũ khí cho quân đội. Đây là việc đại nghĩa. Vì thế, từ nay Bác đổi tên cho chú là Trần Đại Nghĩa...”. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, G.S Trần Đại Nghĩa với tư cách là một lãnh đạo và một nhà khoa học, đã cùng với các đồng chí của mình và hàng ngàn công nhân kỹ thuật trong cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình: sản xuất vũ khí cho Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thành công về quân giới của chúng ta trong hai cuộc kháng chiến chủ yếu là do biết tập trung vào vũ khí phục vụ chiến tranh nhân dân. Những công trình khoa học kỹ thuật chế tạo vũ khí như Bazoka, súng đại bác không giật (SKZ)... thực sự là những kỳ tích của G.S Trần Đại Nghĩa và các cộng sự của ông. Các công trình này đã đóng góp vào việc giải quyết lý thuyết và thực nghiệm các vấn đề về cơ khí, hỏa thuật và thuốc phóng để chế tạo thành công súng Bazoka bắn đạn lõm, công cụ chủ yếu chống chiến xa lúc bấy giờ, với sức xuyên thép 150mm, súng có thể vác vai cơ động, cự ly bắn 50-150m. Loại vũ khí này mang tính sáng tạo cao, phù hợp với điều kiện vật chất và kỹ thuật của Việt Nam lúc bấy giờ, góp phần quan trọng vào việc tăng cường hỏa lực của bộ binh ta, tạo điều kiện thuận lợi để đánh thắng kẻ thù.

Vì những đóng góp to lớn đối với quân đội Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, G.S Trần Đại Nghĩa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1949; được phong quân hàm Thiếu tướng khi ở tuổi 35 và là một trong mười vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày Quốc tế Lao động năm 1952, ông được tuyên dương Anh hùng lao động trong số 07 Anh hùng của Đại hội Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Bắc. Năm 1996, G.S Trần Đại Nghĩa đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh với công trình “Nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo súng Bazoka, súng DKZ, đạn bay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 – 1954”. Trước đó, ông cũng được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Ba và Huân chương Quân công hạng Nhất. Được Đảng và Nhà nước tin tưởng, G.S Trần Đại Nghĩa lần lượt đảm trách những chức vụ quan trọng như: Cục trưởng Cục Quân giới (12/1946 - 5/1954), Cục trưởng Cục Pháo binh (8/1949-11/1951), Thứ trưởng Bộ Công nghiệp (9/1950 - 9/1960), Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (9/1960 – 02/1963), Phó Chủ nhiệm ủy ban Kiến thiết Nhà nước (2/1963 – 3/1972), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước (10/1965 – 8/1966), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (8/1966 -01/1977),  Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam (01/1977 – 01/1983), tiền thân của Trung tâm khoa học Tự  nhiên và Công nghệ quốc gia ngày nay. Năm 1983, ông nhận nhiệm vụ vận động đội ngũ tri thức trong tất cả các ngành khoa học và công nghệ thành lập Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, G.S Trần Đại Nghĩa trở thành Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp hội, nhiệm kỳ 1983 – 1988.

Dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là một quân nhân, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa luôn dũng cảm, tận tụy. Là một nhà khoa học, G.S Trần Đại Nghĩa đã nêu tấm gương của một nhà nghiên cứu chân chính, hết lòng vì sự nghiệp khoa học của đát nước.

Những năm cuối đời, ông cùng gia đình trở về quê hương miền Nam, sinh sống tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, ông mất vào ngày 09/8/1997, hưởng thọ 85 tuổi. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đặt tên ông cho một con đường mới của thành phố, đây là một sự ghi nhận của các thành phố kể trên với những công lao to lớn của G.S Trần Đại Nghĩa cho ngành khoa học kỹ thuật và giáo dục Việt Nam. Ngoài ra tên ông còn được đặt cho một số trường học trên cả nước, trong đó có trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ngày 18/5/2015, tỉnh Vĩnh Long đã khánh thành Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa tại xã Tường Lộc, huyện Tam Bình. Khu lưu niệm được xây dựng trên diện tích hơn 16.000m2, tổng mức đầu tư gần 51 tỷ đồng, được hoàn thành sau 18 tháng thi công. Công trình gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, thư viện, và trung tâm tích hợp dữ liệu về khoa học và công nghệ, phòng hội thảo, chiếu phim, phòng sinh hoạt truyền thống, quảng trường, các hạng mục phụ trợ và cảnh quan. Đặc biệt, Khu lưu niệm là công trình đầu tiên được Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu khoa học và công nghệ, thư viện điện tử giới thiệu thân thế, sự nghiệp, và các công trình nghiên cứu của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.738
      Online: 4