Điện Biên được du khách trong nước và bạn bè quốc tế biết đến với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - nơi in dấu những chiến công hào hùng của thế hệ cha ông đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Điện Biên không chỉ nổi tiếng vì là nơi diễn ra trận chiến lịch sử bởi khi đến nơi đây du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì phong cảnh thiên nhiên trù phú, nơi hội tụ sinh sống của 19 dân tộc anh em như: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Lào, Kháng, Mường, Cống, Xinh Mun, Si La, Phù Lá, Thổ và các dân tộc khác. Mỗi dân tộc lại có những nét riêng về văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ...tất cả đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu của mảnh đất Điện Biên lịch sử.

Lịch sử của vùng đất này đã có từ rất lâu đời. Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là "Xứ Trời", gắn với truyền thuyết về sự phát sinh ra dân tộc Thái. Đây là "đất tổ" của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á. Mường Thanh xưa kia gồm nhiều mường nhỏ như: Mường Phăng, Mường Nhà, Mường Luân, Mường Lèo, Mường Lói (nay thuộc huyện Điện Biên); Mường U (nay thuộc tỉnh Phong Xa Lỳ của Lào), Mường Và, Sốp Cộp (nay thuộc tỉnh Sơn La). Tên gọi Mường Thanh xuất hiện lần đầu trong sách "Hưng Hóa xứ Phong Thổ lục" của Hoàng Bình Chính. Khi nghĩa quân của Hoàng Công Chất nổi dậy chống lại quân lính triều đình vua Lê chúa Trịnh, chiếm đất Mường Thanh, xây đắp thành lũy gọi là Phủ Chiềng Lễ - phiên âm Hán - Việt là Trình Lệ. Ông đã ở đây từ năm 1754 đến năm 1769. Năm 1778, nghĩa quân của Hoàng Công Toản (con trai Hoàng Công Chất) đã quy phục triều đình nhà Lê và châu Ninh Biên được đặt ra thay cho tên gọi Mường Thanh, thuộc phủ An Tây. Ninh Biên có 12 mường nhỏ gộp lại.

Đến với Điện Biên hôm nay, du khách sẽ được hòa mình vào một không gian bao la của mây trời, non nước, đắm mình trong khung cảnh núi sông hùng vĩ. Cùng tìm hiểu những danh lam thắng cảnh, khu sinh thái như: Suối khoáng nóng Hua Pe, U va, động Pa Thơm, động Xá Nhè, đền thờ Hoàng Công Chất, tháp cổ Mường Luân, Chiềng Sơ, thăm cầu Hang Tôm... hay khám phá nét đẹp của những phiên chợ Sín Thầu, Tả Sìn Thàng...  hay ghé thăm những bản làng để tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của 19 dân tộc anh em; hơn thế nữa du khách còn được chiêm ngưỡng cánh đồng Mường Thanh - cánh đồng lớn nhất miền Tây Bắc. Cứ ngỡ rằng Tây Bắc chỉ có ruộng bậc thang nhưng nơi đây còn nổi tiếng với 4 cánh đồng rộng lớn thẳng cánh cò bay. Từ lâu, người dân Tây Bắc đã truyền nhau câu nói “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” Đứng đầu danh sách là cánh đồng Mường Thanh - Điện Biên; Đứng thứ  hai là cánh đồng Mường Lò - Nghĩa Lộ - Yên Bái; tiếp đến là cánh đồng Mường Than- Than Uyên- Lai Châu ( Lào Cai cũ), cánh đồng Mường Tấc - Sơn La. Nằm trên độ cao hơn 400m so với mặt nước biển, cánh đồng Mường Thanh trải dài hơn 20km với chiều rộng trung bình 6km, cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên được đánh giá là rộng lớn nhất.

Hình ảnh cánh đồng Mường Thanh

Mường Thanh - Điện Biên được thế giới biết đến với trận Điện Biên Phủ năm 1954 - nơi Quân đội Viễn chinh Pháp cho quân nhảy dù chiếm đóng vào ngày 20/11/1954, Cánh đồng Mường Thanh trù phú đã đáp ứng một lượng lớn lúa gạo cho binh lính Pháp, đây là một trong những lý do mà Pháp lựa chọn xây dựng ở đây một Tập đoàn lớn mạnh chưa từng có ở Đông Dương, một Pháo đài bất khả xâm phạm. Tại đây đã diễn ra cuộc đấu trí, đấu lực đầy kịch tính giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Viễn chinh Pháp. Trải qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc toàn thắng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Đảng và Nhà nước quyết định xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm. Năm 1963, công trình chính thức khởi công với sự tham gia của hơn 2.000 thanh niên, trong đó có nhiều người rất trẻ, chưa học hết phổ thông, từ Thủ đô Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thanh Hóa… đã tự nguyện viết đơn gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong, cùng đồng bào các dân tộc địa phương xây dựng công trình trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Suốt gần bảy năm (1963-1969) xây dựng công trình vượt lên những khó khăn và sự phá hoại của kẻ thù, công trình đã hoàn thành bằng công sức và xương máu của thế hệ cha anh, trở thành công trình đại thủy nông lớn nhất khu vực Tây Bắc, lớn thứ hai cả nước sau Công trình Thủy lợi Bắc - Hưng - Hải vùng Đồng Bằng Bắc Bộ. Kể từ khi có công trình, diện tích canh tác của cánh đồng Mường Thanh được mở rộng từ 2.000ha lên 6.000ha. Vào vụ gieo trồng, các kênh được mở liên tục đảm bảo nước cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện tại, nông dân Điện Biên đã thâm canh được ba vụ (hai vụ lúa, một vụ rau), có những diện tích năng suất đạt 10 – 12 tấn/ha, chiếm gần 40% tổng sản lượng lúa gạo toàn tỉnh. Diện tích đất khai hoang và mặt nước nuôi trồng thủy sản cũng không ngừng gia tăng. Nhiều năm trôi qua, Đại thủy nông Nậm Rốm vẫn ngày đêm lặng lẽ đưa nước về tưới cho cánh đồng Mường Thanh. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, công trình còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, là biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó keo sơn, giúp đỡ giữa đồng bào miền xuôi với đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên. Năm 2015, công trình đã được UBND tỉnh Điện Biên xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đồng thời, chất lượng gạo ngày càng được nâng cao tạo lên một thương hiệu gạo Điện Biên nức tiếng gần xa.

Dù đi bằng phương tiện gì thì khi đến với Mường Thanh vào những ngày tháng 5 lịch sử, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, cùng vẻ đẹp trù phú, một màu vàng bao phủ khắp thung lũng lòng chảo. Cánh đồng Mường Thanh được ví như một “cái kho” khổng lồ chứa đầy ngô lúa, khiến cho du khách ghé thăm ngỡ như đang đi giữa biển vàng, hương lúa mới lan tỏa khắp cánh đồng tạo nên một cảm giác thân thuộc của cánh đồng quê Bắc Bộ trải dài ngút tầm mắt, thẳng cánh cò bay, một vẻ đẹp kiêu hùng của cánh đồng vàng bát ngát.

Hình ảnh cánh đồng Mường Thanh

Đến với Điện Biên, bạn có thể bạn chưa quen với biên độ nhiệt chênh lệch khá lớn trong ngày, thường khoảng 5 - 10 độ C. Thêm vào đó, cường độ chiếu sáng dài khiến nhiều người có đôi phần khó chịu. Chính điều kiện khí hậu này đã góp phần đáng kể để làm nên những hạt ngọc dẻo thơm, có vị đậm đà đã tạo nên thương hiệu cho gạo Điện Biên nức tiếng gần xa như: gạo Tám thơm, gạo séng cù, gạo nếp nương - món quà ý nghĩa để du khách đem về làm quà cho gia đình, bạn bè sau chuyến hành trình. Từ đặc sản gạo Điên Biên, đã có rất nhiều món ngon được chế biến như xôi nếp nương, bánh dày. Hấp dẫn không kém là cá suối, canh măng...Bởi vậy mà hành trình về với Điện Biên chưa bao giờ xưa cũ.

"Ai lên Điện Biên cùng em sánh đôi

Gạo thơm, cơm trắng cùng em đón mời

Mùa về mùa về gọi chàng trai tới

Rượu cần ta uống cho đẹp tình lứa đôi"

Những nhịp điệu trữ tình, ngọt ngào, tha thiết của bài hát “Lời mời Điện Biên” thay cho lời mời gọi du khách gần xa về với Mường Thanh -  Điện Biên để cùng trải nghiệm thưởng thức nét đẹp vùng cao, khám phá sắc màu Tây Bắc trong không gian lễ hội đậm đà bản sắc, cùng gia đình, bạn bè tham quan quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ, về với hành trình tìm hiểu lịch sử oai hùng của dân tộc. Đó cũng là dịp du khách chuyện trò cùng với chàng trai, cô gái miền sơn cước, để say đắm trong tiếng khèn, tiếng pí, cùng thưởng thức ẩm thực, say trong men rượu nồng, cùng hòa mình vào điệu xòe mê mải bất tận; cùng với bà con dân bản tham gia thu hoạch vụ lúa trên cánh đồng Mường Thanh, cùng hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ nơi núi rừng Tây Bắc. Tất cả đã tạo nên một Điện Biên Phủ luôn mặn nồng trong lòng người dân bạn bè trong nước và quốc tế./.         

Hải Yến


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 698.431
Online: 20