Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện nay đang lưu giữ và trưng bày rất nhiều hiện vật, tư liệu gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong số đó có chiếc võng cáng thương - kỷ vật rất đơn sơ, giản dị nhưng vô cùng quan trọng trong quá trình vận chuyển thương binh của nữ y tá Nguyễn Thị Được

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc đọ sức quyết liệt giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội viễn chinh Pháp. Đây là chiến dịch có quy mô lớn, diễn ra dài ngày nhất trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của quân và dân ta. Đặc điểm nổi bật của chiến dịch là ta huy động một lực lượng lớn, chiến đấu hiệp đồng binh chủng dài ngày với phương châm "Đánh chắc, tiến chắc" tấn công vào một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc, kiên cố của địch. Để làm tốt công tác cứu chữa thương, bệnh binh trong điều kiện xa hậu phương, địa hình rừng núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn, thời tiết không thuận lợi, dân cư thưa thớt, kinh tế nghèo nàn, phương tiện thuốc men vô cùng thiếu thốn. Khi đó Cục Quân y đã tổ chức lên mặt trận Điện Biên Phủ 8 đội điều trị (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 10) cùng với hàng trăm dân công biên chế vào các đội để làm nhiệm vụ nuôi quân, hộ lý, cứu thương cộng với 5 đội điều trị của 5 đại đoàn.

Trước khi các cán bộ chiến sĩ ngành quân y lên đường tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh có căn dặn "Năm nay chiến trường ở xa, bộ đội có thể khổ, dân công cũng vậy, nhưng chớ để thương binh khổ". Thực hiện lời căn dặn của Người, các cán bộ quân y luôn thấm nhuần tư tưởng "Lương y như từ mẫu". Với quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, các cán bộ chiến sĩ quân y nói chung và nữ y tá Nguyễn Thị Được nói riêng hứa đem hết tài trí của mình để phục vụ đơn vị, phục vụ chiến sĩ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ ta đã có sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực và vật lực. Lần đầu tiên các đội điều trị được bố trí đứng sau tuyến Quân y đại đoàn làm nhiệm vụ bệnh viện dã chiến chiến dịch, thu dung, điều trị thương, bệnh binh của mặt trận cho tới khi tình trạng sức khỏe ổn định được trở về đơn vị hoặc chuyển tiếp về các bệnh viện hậu phương.

Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Thị Được sinh năm 1929 quê ở Nghệ An, trú quán tại số nhà 40-C1, ngõ 27 phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội thuộc biên chế của Đội điều trị số 4, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 đóng ở Hồng Cúm. Ngày đó, bộ đội ta phải chiến đấu dưới đường hào, sau mỗi trận mưa đường hào ngập đầy bùn, nước, do đó hầu hết các vết thương sọ não, nội tạng đều bị nhiễm trùng gây đau đớn cho các thương binh. Việc cứu chữa cho thương binh được thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Các trang thiết bị, dụng cụ y tế cơ bản đã được chuẩn bị trước như ống nghe y tế, thuốc kháng sinh, bông băng, dụng cụ phẫu thuật, cáng thương, võng cáng thương...

Sau khi mọi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, đúng 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta bắt đầu nổ súng tấn công vào cứ điểm Him Lam "Cánh cửa thép" bảo vệ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mở màn chiến dịch. Đến mờ sáng ngày 14/3/1954, những cáng thương binh đầu tiên đã được đưa về các đội điều trị. Tại các đội điều trị đều có lán trại, hầm, hào, để phục vụ công tác cứu chữa thương binh và được phân thành 3 khu: Khu A "Trọng thương", khu B "Trung thương" và khu C "Khinh thương".

Khi thương binh từ mặt trận đưa về các đội điều trị, các y, bác sĩ nhanh chóng xử lý sơ bộ vết thương như rửa sạch, sát trùng, băng bó rồi phân loại thương binh chuyển về các khu theo tình trạng nặng, nhẹ. Đối với những thương binh nặng không thể đi được, các y bác sỹ phải dùng cáng thương và võng cáng thương.

Những ngày tiếp theo của chiến dịch, quân ta tiếp tục vây hãm, đánh lấn vào các cứ điểm của địch chiếm đóng. Nhận thấy nguy cơ bị tiêu diệt, quân Pháp đã chống cự quyết liệt, chúng huy động không quân, pháo binh dội bom bắn phá vào trận địa của ta gây sát thương nặng nề cho các chiến sĩ. Càng về cuối trận đánh số lượng thương binh của ta ngày một tăng, nhu cầu cứu chữa thương binh phải dồn dập. Những lúc đó đồng chí Được cùng các chiến sĩ áo trắng trong đội điều trị của mình phải làm việc liên tục, không kể ngày đêm. Nhờ có tấm lòng thương yêu đồng đội, tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng phục vụ thương, bệnh binh qua việc trải nghiệm thực tế chiến trường. Y tá Nguyễn Thị Được đã vận dụng linh hoạt những kiến thức đã được học cùng đội điều trị của mình cứu sống được rất nhiều thương, bệnh binh, kịp thời bổ sung quân số chiến đấu cho các đơn vị, đồng thời giảm gánh nặng cho tuyến điều trị phía sau. Điều đó đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ngày 07/5/1954.

Sau chiến dịch, để thể hiện chính sách khoan hồng và nhân đạo của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một số cán bộ y, bác sĩ của ta trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Được là nữ y tá duy nhất của Đội điều trị số 4 ở lại cùng các y, bác sĩ của Pháp cứu chữa, chăm sóc thương binh Pháp. Ngày 28/5/1954, toàn bộ số tù thương của Pháp đã được đưa lên máy bay về Hà Nội. Các cán bộ Quân y của ta đã dùng cáng thương và võng để di chuyển những thương binh bị băng bó ở chân không thể đi được.Tất cả những việc làm đó thể hiện sự tận tụy, tấm lòng của lương y khiến cho không chỉ người Pháp mà cả thế giới phải trầm trồ thán phục./.

ST


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Liên kết website
Thống kê: 697.795
Online: 22