Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, tác động sâu sắc tới chiến tranh Đông Dương và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Đến năm 1954, đây là cuộc chiến quy mô lớn nhất về mọi mặt, trong đó là sự tham gia của những vị tướng hàng đầu của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (được thụ phong năm 1948), một trong những người đầu tiên sáng lập ra Đội Việt nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau này. Ông là vị tướng tài ba chưa từng học qua bất cứ trường lớp quân sự nào nhưng đã nhiều lần giành thắng lợi trên cương vị chỉ huy của các chiến dịch trước đó như: Chiến dịch Việt Bắc (Thu - Đông 1947), Chiến dịch Biên giới (tháng 9, 10 năm 1950), Chiến dịch Trung Du (tháng 12 năm 1950), Chiến dịch Đông Bắc (năm 1951), Chiến dịch Đồng Bằng (tháng 5 năm 1951), Chiến dịch Hòa Bình (tháng 12 năm 1951), Chiến dịch Tây Bắc (tháng 9 năm 1952), Chiến dịch Thượng Lào (tháng 4 năm 1953).
Nhận mệnh lệnh “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định “sống còn” khi quyết định chuyển phương án tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” và cùng với Bộ tham mưu của mình chỉ huy chiến đấu, lãnh đạo các lực lượng tiến công chiến thuật vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 105 ngày tại chỉ huy sở trong một khu rừng tại xã Mường Phăng, 56 ngày đêm “không ngủ” kể từ khi tiếng súng chính thức của trận chiến vang lên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành linh hồn của chiến dịch. Mỗi tin thắng trận báo về, mỗi chiến sĩ hi sinh, mỗi kg lương thực được chở tới mặt trận đều trở thành nỗi trăn trở của ông. Chỉ đến khi De Castries đầu hàng, tên lính Pháp cuối cùng tại Điện Biên Phủ bị bắt, niềm vui vỡ òa trong nước mắt, Đại tướng mới an lòng vì đã hoàn thành nhiệm vụ với Bác Hồ, với Bộ Chính trị. Ông trở thành Đại tướng của Nhân dân, tiếp tục dẫn dắt Quân đội Nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và giữ nhiều cương vị quan trọng của đất nước sau này. Từ sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, rừng Mường Phăng còn được gọi là rừng Đại tướng.
Cơ quan tham mưu chiến dịch Điện Biên Phủ đứng đầu là Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, người đã cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra những quyết sách quan trọng trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.
Cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái là một trong 34 người đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Cách mạng tháng 8 thành công, tháng 9/1945, ông Hoàng Văn Thái được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng tham mưu của Quân đội quốc gia và giữ chức Tham mưu trưởng đầu tiên. Tháng 01 năm 1948 trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của quân đội, đồng chí Hoàng Văn Thái được phong Thiếu tướng. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn 320, được triệu về Việt Bắc giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái được phân công nhiệm vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng và nhận lệnh lên Điện Biên tiếp tục vai trò Tham mưu trưởng trong chiến dịch quan trọng mang mật danh Trần Đình. Tại Điện Biên Phủ, ông đã phối hợp tốt với cố vấn Trung Quốc, cùng đưa ra và thực hiện những quyết sách quan trọng của Bộ chỉ huy chiến dịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ việc chuyển phương châm tác chiến, cho đến công tác chuẩn bị, hậu cần, từng trận đánh. Ông là Tham mưu trưởng đắc lực bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tài năng và sự cống hiến của mình. Sau này ông tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đến năm 1980 được phong quân hàm Đại tướng.
Vị tướng thứ 3 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là đồng chí Hoàng Sâm, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 (nay là Sư đoàn 304). Ông tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 ở làng Lệ Sơn, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ông là Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt nam tuyên truyền Giải phóng quân từ ngày mới thành lập (22/12/1944) và chỉ huy giành những chiến thắng đầu tiên ngay sau đó tại Phai Khắt và Nà Ngần. Trong kháng chiến chống Pháp, ông được cử làm Khu trưởng Liên khu 2 (kế nhiệm ông Văn Tiến Dũng), Khu trưởng Liên khu 3 (1946 - 1950), Chỉ huy mặt trận Tây Tiến. Ngày 01 tháng 01 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 111/SL phong quân hàm Thiếu tướng cho ông (cùng đợt phong với 8 Thiếu tướng khác).
Năm 1953, ông làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Ðại đoàn 304 được giao nhiệm vụ bao vây phân khu Nam, khống chế sân bay và trận địa pháo binh địch, tiến tới chia cắt phân khu Hồng Cúm với phân khu trung tâm Mường Thanh. Ðây là một trong ba phân khu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, với hơn 2.000 tên địch, gồm một tiểu đoàn lựu pháo 105mm, một đại đội cối 120mm, hai trung đoàn xe tăng. Trong khi Trung đoàn 57 chốt chặn ở phân khu Nam thì Trung đoàn 9 được chia nhỏ, phối thuộc với các đơn vị khác. Những chiến công của Ðại đoàn 304 làm tê liệt hoàn toàn phân khu Nam, ngăn sự chi viên cho Trung tâm Mường Thanh, là một thành tích đáng kể góp phần cùng quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, làm nên thắng lợi to lớn nhất, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Ngoài ra, một số đồng chí Đại đoàn trưởng các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ sau này cũng được phong hàm tướng, như:
Đồng chí Vương Thừa Vũ, Tư lênh kiêm chính ủy đầu tiên của Đại đoàn quân tiên phong 308, một trong những lực lượng chủ lực của chiến dịch Điện Biên Phủ được phong quân hàm Thiếu tướng sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc (28/9/1954) và đến năm 1974 được phong quân hàm Trung tướng.
Đồng chí Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 312, được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1974, quân hàm Trung tướng năm 1980 và Đại tướng năm 1984.
Đồng chí Lê Quảng Ba, Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 316. Năm 1959, Lê Quảng Ba được phong Thiếu tướng. Ông trở thành vị Tướng người dân tộc Tày đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam và là Tư lệnh đầu tiên của Quân khu Việt Bắc (Quân khu I hiện nay, đóng ở Thái Nguyên)./.