Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bản Kéo là cứ điểm duy nhất mà Quân đội ta không tấn công, không tổn thất mà vẫn chiếm được bằng cách vận động ra hàng. Cùng với chiến thắng tại Trung tâm đề kháng Him Lam và đồi Độc Lập, đến ngày 17/3, ta phá vỡ tuyến phòng thù phía ngoài, chờ thời cơ để đánh sâu vào trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Ngày 13/3/1954, ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ tại cứ điểm vòng ngoài phía Đông Bắc là Trung tâm đề kháng Him Lam. Rất nhanh chóng, chỉ sau hơn 5 giờ chiến đấu, ta tiêu diệt toàn bộ Him Lam, diệt và bắt sống 500 tên địch, thu nhiều vũ khí đạn dược. rạng sáng ngày 15/3, ta tiếp tục tấn công Đồi Độc Lập. Cũng như Him Lam, Trung đoàn 165 và 88 cũng chỉ mất gân 4 giờ để đẩy lui quân địch chốt giữ tại cứ điểm này. Trận thắng Độc lập cùng với trận thắng Him Lam đã mở gần thông đường vào phân khu trung tâm Mường Thanh, ta đã tiêu diệt những đơn vị bộ binh, Lê dương tinh nhuệ của quân Pháp.
Lực lượng đóng tại đồi Bản Kéo là Tiểu đoàn Ngụy Thái số 3, 100 % là người dân tộc Thái dưới quyền chỉ huy của tên quan tư Thimonnier. Cuộc tấn công dữ dội mấy ngày vừa qua đã làm cho lính ở đây hoang mang, lo sợ, nhốn nháo. Tài liệu ghi lại, từ tên quan ba cho đến đội Tây đều sợ chết, khóc sướt mướt cả ngày vì không được rút về Điện Biên Phủ. Tên quan hai Misen chỉ huy Đại đội 10 tự tay cầm búa phá vỡ súng 12,7mm và khẩu 57 vì biết Việt Minh sẽ tấn công vào, súng của chúng không thể đương đầu với đại bác của Việt Minh. Mấy tên quan Pháp còn không thò mặt ra khỏi hầm, mọi sinh hoạt đều diễn ra dưới ấy, đến khát nước cũng không dám ra ngoài lấy nước.
Ngay từ đầu, ta nhận thấy có khả năng giải quyết cứ điểm này không cần tới một trận đánh nên dùng tuyền đơn binh vận kêu gọi lính Thái đầu hàng. Từ ngày 15/3, tiếng loa nói bằng tiếng Thái và tiếng Kinh của bộ đội ta từ trên các điểm cao xung quanh Bản Kéo vọng về kêu gọi lính ra hàng, cùng với những tờ truyền đơn đã lọt vào tay họ từ những ngày trước đó, đã khiến những người lính này hiểu rằng quay về với kháng chiến sẽ được khoan hồng, cùng các dân tộc khác như Mông, Xá, Kinh… ở Điện Biên đánh giặc, cứu nước.
Cả đồn Bản Kéo đều lo sợ chờ đợi bị tấn công, không dám có động thái gì, thậm chí khi thấy bộ đội Việt Nam đi lại cũng không dám bắn và nếu bị bắn thì lại chui vào hầm. Có lúc, 1 quả đại bác của bộ đội Việt Nam bắn trúng 3 tên lính Tây, những tên còn lại đều khiếp vía chờ đợi số phận của mình. Hầu hết mọi người đều muốn ra hàng, ai cũng giữ sẵn truyền đơn mà Việt Minh đã rải suốt mấy ngày hôm nay, chờ thời cơ là trốn. Lính Tây còn sợ lính Thái bản địa chạy trốn nên ngày đêm canh gác, không cho đi đâu.
Không có thức ăn, nước uống, nhiều lính đồn Bản Kéo đòi mấy tên quan phải cung cấp lương thực. Ngày 16/3/1954, dưới chân đồi Bản Kéo đã xuất hiện bức tranh kèm theo dòng chữ: “Quay trở về với Tổ quốc, với đồng bào các anh sẽ được đón tiếp tử tế”. Mặc dầu chỉ huy người Pháp ra sức khống chế, nhưng lính Thái đã lợi dụng lúc chỉ huy Pháp chui xuống hầm ẩn nấp mang vũ khí kéo ra hàng. Quân Pháp cho xe tăng đuổi theo toán quân Ngụy Thái nhưng pháo binh của Việt Minh đã bắn chặn để yểm trợ cho số hàng binh nói trên chạy tới những vị trí trú ẩn an toàn trong rừng.
Khi đã đầu hàng quân Việt Minh, họ đã kể lại: “Chúng tôi đều bị quân Pháp bắt đi lính cho chúng. Chúng dọa không đi thì bỏ tù, và chúng còn dọa bỏ tù cả gia đình tôi nữa! Khi vào ngụy binh rồi, chúng tôi đã nhiều lần bị giặc Pháp bắt tự tay mình phải bắt trâu, bò, dỡ nhà cửa phá ruộng nương của gia đình, làng xóm thân nhân chính mình”./.