Nằm giữa rừng Mường Phăng đại ngàn, từ hơn 6 thập kỷ qua vẫn hiện diện căn lán nhỏ được làm bằng tre, nứa là nơi làm việc và sinh hoạt trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ của người chỉ huy lỗi lạc, vĩ đại của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Trong hồi ức Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Đại tướng có viết: “Mỗi lần đi chiến dịch, tôi lại trở về “ngôi nhà” quen thuộc. Nó cũng giống như phần lớn những ngôi nhà của các cơ quan ở Việt Bắc trong kháng chiến, chỉ khác là ở mặt trận nó được thu nhỏ tới mức tối thiểu, đúng hơn là một cái lán.... Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra kiểu nhà này. Nó đã ổn định tới mức không cần có sự cải tiến nào”.

Lán của của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có diện tích 18m2, là nơi nghỉ ngơi, làm việc từ khi Bộ chỉ huy chiến dịch chuyển đến rừng Mương Phăng cho đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.  

Lán có 2 ngăn. Gian trong là nơi nghỉ ngơi và làm việc của đồng chí cần vụ, người dân tộc Tày tên là Chúng Sính, đã giúp việc và chăm lo sức khỏe cho Đại tướng suốt chiến dịch. Sát cửa sổ gian trong, trên chiếc bàn tre hàng ngày có một phích nước và một bộ ấm chén Trung Quốc có in chữ “Việt - Trung - Xô đoàn kết”, có hình 3 lá cờ: Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc. Gian phía ngoài rộng hơn là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tạm gọi là một căn phòng tối giản nhất của một vị chỉ huy tối cao trong một chiến dịch. Tại đây được kê 1 bàn làm việc và 1 chiếc giường, đều được ghép từ tre rừng. Thời tiết ở đây quanh năm khá lạnh, cũng như đại bộ phận cán bộ của cơ quan chỉ huy, Đại tướng cũng nằm cỏ gianh phủ lớp dù để làm đệm, một chiếc chăn dạ, chăn bông và màn tuyn Trung Quốc. Chiếc bàn được kê sát cửa sổ, cửa sổ bằng vách tre được chống lên để lấy ánh sáng; trên bàn hằng ngày trải rộng tấm bản đồ hình thái giữa ta và địch tỉ lệ 1/25.000. Bên cạnh là chiếc máy điện thoại quay tay, chỉ trực chờ thông tin báo về từ các chiến trường. Ngọn đèn bão vẫn được thắp sáng đêm đêm tại ngôi lán đơn sơ giữa rừng đại ngàn, là một phần không thể thiếu của vị Đại tướng Tư lệnh trưởng.

Hành trang của vị Đại tướng gói gọn trong chiếc ba lô Con Cóc treo trên vách sau cùng với chiếc mũ nan tre căng lưới với những sợi dù ngụy trang màu lá

Dưới chân con dốc nhỏ dẫn lên lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hiện còn 3 cây bưởi vươn cành xanh tốt giữa quần thể thiên nhiên rừng Mường Phăng, hằng năm mỗi độ xuân về lại đơm hoa kết trái. Đó là giống bưởi Đoan Hùng đoàn đại biểu của dân công Phú Thọ biếu Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi  thưởng thức vị ngon nổi tiếng của những trái bưởi này, Đại tướng giao cho đồng chí Đỗ Hải (Đại đội trưởng đại đội cảnh vệ 425) và căn dặn: “Đồng chí gieo xuống chỗ đất tốt để thế hệ sau và bà con Mường Phăng đựơc thưởng thức những trái bưởi Đoan Hùng”.

Tại Sở chỉ huy này trong những ngày đầu xuân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận được điện và thư trả lời của Bác và Trung ương nhất trí cho rằng “quyết định thay đổi cách đánh từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” là hoàn toàn đúng. Trung ương Đảng và Chính phủ sẽ động viên toàn dân dốc sức chi viện cho Điện Biên Phủ để giành toàn thắng. Hội đồng cung cấp Trung ương đã được thành lập do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp làm Chủ tịch để chỉ đạo các địa phương huy động nhân vật lực phục vụ tiền tuyến”. Chính việc thay đổi cách đánh này vào phút chót mang ý nghĩa vô cùng quan trọng và thực tế lịch sử đã chứng minh đó là nhân tố quyết định dẫn tới thắng lợi của chiến dịch, chấm dứt giấc mộng thực dân của Pháp tại Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung, là tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này. Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh đã bình chọn ông là 1 trong 10 vị tướng tài của thế giới.

Lần gần đây nhất Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên với bà con Mường Phăng là năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tình cảm của bà con nơi đây dành cho vị Đại tướng huyền thoại vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Những giọt nước mắt xen lẫn nụ cười ngày hội ngộ sẽ mãi là ký ức đẹp của Mường Phăng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp coi đây là quê hương thứ hai của mình; người dân Mường Phăng vẫn quen gọi rừng Mường Phăng là rừng “Đại tướng”./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 698.353
      Online: 48