Với chức năng bảo tồn và phát huy giá trị di tích chiến trường Điện Biên Phủ, trong những năm qua, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã không ngừng đổi mới về mọi mặt công tác, nâng cao chất lượng đón tiếp, phục vụ khách tới tham quan, du lịch. Đặc biệt từ sau khi công trình Bảo tàng Chiến thắng mới được xây dựng với quy mô hoành tráng, thiết kế hiện đại đã hoàn thiện cơ sở vật chất, xứng tầm với chiến thắng vĩ đại trong lịch sử đất nước, khẳng định vai trò quan trọng của di tích chiến trường Điện Biên Phủ trong quá trình phát triển của tỉnh, của đất nước. Cũng theo đó các công tác nghiệp vụ bảo tàng cũng được chuyên môn hóa, hiện đại và đầu tư kỹ lưỡng nhất là quá trình bảo quản hiện vật tại kho cơ sở.

Tính đến hết năm 2014, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang lưu giữ, trưng bày gần 4000 hiện vật, tài liệu liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ với đủ các chất liệu như kim loại, giấy, gỗ, thủy tinh, vải. Tất cả những hiện vật này đều chịu tác động của môi trường tự nhiên, đặc biệt trải qua thời gian hàng chục năm đã bị ôxi hóa, ăn mòn, biến chất... không còn được nguyên vẹn, dễ bị phá hủy, hư hỏng nếu như không bảo quản đúng cách.

Để khắc phục tình trạng trên nhằm kéo dài tuổi thọ hiện vật cũng như đảm bảo chất lượng hiện vật khi đưa ra trưng bày phục vụ người xem, công tác bảo quản hiện vật luôn được quan tâm chú trọng. Với những hiện vật trong kho luôn được bảo dưỡng, duy tu định kỳ hằng tháng với các phương pháp khác nhau phụ thuộc vào chất liệu và tình trạng hiện vật; với những hiện vật mới được sưu tầm, sau khi phân loại, kiểm kê là cả một quá trình phức tạp, tỉ mỉ từ việc phân tích, đánh giá hiện trạng hiện vật đến lau chùi, bảo quản sợ bộ, bảo quản bằng hóa chất, thẩm định hiện vật; nhiều hiện vật sưu tầm trong dân bị chôn vùi nhiều năm đất đá, bụi bẩn, tạp chât làm biến hóa tính chất hiện vật phải mất nhiều ngày loại bỏ, phục chế mới cải tạo được tình trạng hiện vật, đảm bảo yêu cầu lưu giữ hoặc trưng bày. Các hiện vật trưng bày là những hiện vật tiêu biểu, được chọn lựa kỹ càng không những đảm bảo chất lượng mà còn phải mang tính thẩm mỹ và được đầu tư cơ sở trang thiết bị hiện đại hỗ trợ việc bảo quản như điều hòa nhiệt độ để điều chỉnh môi trường, tủ chống ẩm dành cho các hiện vật được ưu tiên, hệ thống camera theo dõi, giám sát. Một số lượng hiện vật không nhỏ tại các điểm di tích ngoài trời, chủ yếu bằng gỗ, thạch cao và kim loại cũng thường xuyên được kiểm tra, bảo quản kịp thời, có khả năng chống chọi được với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Những năm trở lại đây, công tác xã hội hóa bảo tồn và phát huy giá trị di tích chiến trường Điện Biên Phủ được đẩy mạnh, cùng với việc trùng tu, tôn tạo di tích, đã có 13 công trình mái che hiện vật ngoài trời tại các điểm di tích đã góp phần làm cho công tác bảo quản hiện vật ngoài trời được nâng cao, hạn chế phần nào sự hư hại của các hiện vật.

Tại kho bảo quản đã đầu tư xây dựng hệ thống bảo quản hiện vật với các trang thiết bị cần thiết đảm bảo duy trì điều kiện lý tưởng, đảm bảo chất lượng tốt cho hiện vật, chủ yếu là điều hòa nhiệt độ, quạt thông gió có thể kiểm soát, điều hòa môi trường, tránh bức xạ nhiệt, ánh sáng hợp lý. Các hiện vật được sắp xếp khoa học phân chia theo chất liệu hiện vật và thời gian sưu tầm trên các kệ, tủ chuyên biệt thuận tiện trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ cho hiện vật và các chuyên môn có liên quan. Bên cạnh đó đã có không gian riêng dành cho các công đoạn phục chế, bảo quản, cất giữ hiện vật.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực dành cho công tác này còn thiếu, đội ngũ cán bộ chuyên trách số ít được đào tạo về chuyên ngành bảo tàng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong điều kiện đòi hỏi cần có các kỹ sư chuyên ngành hóa chất. Cũng chính vì vậy các hóa chất được sử dụng trong quá trình phục chế, bảo quản chủ yếu là chất đơn giản, dễ thực hiện và được làm thủ công. Nhiều hiện vật còn chưa có phương pháp sửa chữa, cải tạo như hiện vật bằng giấy, ảnh, nhôm mà chỉ tiếp tục bảo quản để không hư hỏng thêm. Trong khi đó số lượng hiện vật được sưu tầm ngày càng nhiều, tăng thêm hằng năm thì với điều kiện cơ sở vật chất, kho, xưởng, thiết bị cũng cần được đầu tư, mở rộng để đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cần thiết để bảo quản hiện vật vĩnh cửu. Thêm vào đó, hướng sưu tầm các bộ sưu tập theo chủ đề và băng, đĩa, hình ảnh dẫn lại lời của nhân chứng lịch sử, các cựu chiến sĩ Điện Biên đang được ưu tiên cũng đặt ra những phương pháp bảo quản phù hợp cho những loại hiện vật này. Những khó khăn đặt ra những yêu cầu cấp bách về kinh phí đầu tư, nguồn nhân lực cần thiết đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo quản./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.755
      Online: 57