Nằm ở khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, là cơ quan đầu não của Thực dân Pháp, điều hành mọi hoạt động chiến sự diễn ra tại lòng chảo Điện Biên Phủ. Dưới sự chỉ đạo của De Castries, viên Đại úy được tin tưởng trao nhiệm vụ toàn quyền trong sứ mệnh bình định vùng Tây Bắc Việt Nam, Tập đoàn cứ điểm trở thành cái bẫy khổng lồ hòng nhử quân chủ lực Việt Nam đến giao chiến, kết thúc cuộc chiến dai dẳng trong nhiều năm và cho đến thời điểm hiện tại đang có nhiều lợi thế cho quân đối phương.

Kế hoạch Nava trước đó không nhắc đến Điện Biên Phủ. Chỉ đến khi một loạt thất bại liên tiếp mang đến những nỗi thất vọng cho người Pháp trên hầu hết các chiến trường từ những tháng cuối năm 1953, cái ý tưởng biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn quân sự khổng lồ của người tiền nhiệm Salan trước đó mới được cân nhắc và lựa chọn. Sau khi khảo sát, đánh giá và phân tích bằng con mắt nhà binh, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra đời với sự ưu tiên tuyệt đối cả về tâm và lực. 49 cứ điểm được hình thành trong 8 cụm cứ điểm thuộc ba phân khu. Mỗi cụm cứ điểm là một hệ thống binh, hỏa lực mạnh với những loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại và hoàn toàn có thể yểm trợ cho những cứ điểm khác lúc cần. Bao quanh mỗi cụm cứ điểm là những hàng rào dây thép gai dày từ hàng chục mét trở lên và chi chít những mìn với đủ hình thù, kích cỡ. Máy bay oanh tạc, hỗ trợ chiến đấu từ hậu cứ Hà Nội và Hải Phòng liên tiếp uy hiếp và tiếp viện từ trên cao đã tạo sự chênh lệch lớn cho quân Pháp nếu Việt Nam quyết tâm đem quân đến để chống lại.

De Castries, vị chỉ huy tối cao tại Điện Biên Phủ tạo cho mình một căn cứ bí mật dưới lòng đất giữa cánh đồng Mường Thanh bao la, rộng lớn. Chỉ đến khi những mũi xung kích cuối cùng của quân ta tiến thẳng vào căn hầm chỉ huy này, ta mới thấy đó là một công trình vững chắc, được ưu tiên hơn hẳn so với những căn cứ chỉ huy tại những cụm cứ điểm dã chiến. Đó là một căn hầm khá rộng rãi với nhiều lớp, tầng bảo vệ có thể chống đỡ các loại hỏa lực mạnh của đối phương. Trước đây khi xây dựng căn cứ này, lính Pháp đã lùng xục nhà dân, chọn những loại vật liệu vững chắc nhất, cướp bóc những phiến gỗ to tròn nhất để xây mái hầm, bên trên là vô số các loại vật liệu bao phủ thành từng lớp như tấm ghi, tấm thép uốn sóng phủ thêm thân cây và bao tài cát. Ngoài ra, một hệ thống ăng ten, điện đài lởm chởm phía trên hầm đảm bảo thông tin liên lạc tới các cứ điểm và Bộ chỉ huy dưới Hà Nội luôn được thông suốt. Phía ngoài được gài mìn dày đặc, được bao quanh bởi dây thép gai. Xa hơn, 4 hướng là những chiếc xe tăng, vũ khí hạng nặng luôn trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu. Quan sát phía bên trong ta dễ dàng nhận thấy căn hầm có hai cửa, một cửa quay hướng Đông, một cửa quay hướng Nam với chiều dài 20m, chiều rộng 8m, cao hơn 2m chia thành 4 ngăn với các bức tường ngăn dày gần 1m, giữa là một hành lang chạy dọc.  

Mỗi ngăn hầm là nơi làm việc của các bộ phận chuyên môn giúp việc cho De Castries trong đó phải kể đến Trung tá Charles Piroth, chỉ huy lực lượng pháo binh của Pháp tại Điện Biên Phủ (một sự bổ sung tuyệt vời cho De Castries theo những nhận định của các chuyên gia quân sự lúc bấy giờ), người đã tự sát ngày trong đợt tấn công đầu tiên của Việt Minh vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; các tham mưu phó - những kẻ hèn nhất, luôn run sợ trước những đòn tấn công như vũ bão của quân đối phương và một hệ thống thông tin liên lạc, hiện đại là nơi De Castries trao đổi, xin mệnh lệnh của cấp trên trong quá trình diễn ra chiến sự. Ngăn hầm làm việc của De Castries gần chính giữ căn hầm, khá tiện nghi với nhiều đồ dùng làm việc và sinh hoạt hằng ngày. Khi quân ta tiến vào căn hầm này, hầu như mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn ngoại trừ một số giấy tờ, mật lệnh quan trọng đang được chủ nhân của nó tiêu hủy. Lần đầu tiên trong lịch sử, ta bắt sống toàn bộ Bộ chỉ huy quân địch ngay tại chính cơ quan đầu não của chúng.

Nếu như trước khi diễn ra chiến sự, mối quan tâm hàng đầu của De Castries bên cạnh việc biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn quân sự cỡ bự thì De Castries cũng luôn lo ngại quân đối phương có thể sẽ chùn bước, không dám tấn công trước sức mạnh to lớn của người Pháp. Ông ta luôn luôn phô trương sức mạnh bằng các cuộc diễn tập, thi thố giữa các cứ điểm, không ngừng lùng sục các vị trí nghi là điểm đóng quân của Việt Minh, đồng thời cũng không ngừng chế giễu, thách thức quân ta tấn công. Cũng trong thời gian này, tại căn hầm chỉ huy của mình, De Castries đã liên tiếp tiếp đón những nhân vật cấp cao của Pháp và Mỹ, những nhà văn, nhà báo của làng báo chí phương Tây. Đó là dịp để ông ta khoe khoang thành tích và phóng đại và sức mạnh của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng như mục đích của trận chiến này.

Thực tế đã cho thấy, diễn tiến tình hình của cả hai bên không nằm trong mong đợi của De Castries. Sự chuẩn bị về mọi mặt của Quân đội Nhân dân Việt Nam cho cuộc chiến này không nằm trong bất cứ tính toán nào của các cấp chỉ huy Pháp. Một khối lượng khổng lồ lương thực, thuốc men, đạn dược, vũ khí (trong đó lần đầu tiên ta đưa vào sử dụng pháo 105mm và pháo H6)… được vận chuyển ra mặt trận. Sự phối hợp đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với phương án đánh chắc thắng cũng được áp dụng với quyết tâm cao nhất là giành chiến thắng trong trận quyết chiến này. Ta cũng có những lợi thế và đã biến những lợi thế đó thành sức mạnh, sẵn sàng đối đầu với Pháp.

Sau nhiều lần thay đổi, cuộc tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được mở màn vào ngày 13/3/1954 với việc ta nổ súng tại Trung tâm đề kháng Him Lam. Nhanh chóng tiêu diệt vị trí này ngay những giờ đầu, các vị trí còn lại ở phía Bắc và Đông Bắc cũng hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của ta chỉ 3 ngày sau đó. Trong đợt tấn công đầu tiên này, ta đã gây cho địch một sự hoang mang, lo lắng cực độ. Rõ ràng Bộ chỉ huy của chúng quá bất ngờ trước sức mạnh của pháo binh Việt Nam và kế hoạch tiêu diệt các cứ điểm của chúng một cách hoàn hảo, nhanh chóng. Chẳng thế mà Piroth đã phải tự sát khi không giữ được lời hứa mà ngay cả De Castries cũng bắt đầu bất an trước tình thế của hai bên và tinh thần của binh lính dưới quyền. Những tài liệu sau này có ghi lại, từ sau đợt tấn công đầu tiên, De Castries thường xuyên ở trong hầm và ít ra ngoài hơn.

Đợt tấn công thứ hai, rồi thứ ba của Việt Minh vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã trở thành chiến sự ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Thực dân Pháp đã tìm mọi cách để đương đầu với quân ta với sự viện trợ liên tiếp bằng đường hàng không. Đến giữa tháng 4 năm 1954, hầu như các cỡ pháo của ta đã làm chủ được bầu trời, khiến cho việc viện trợ bằng con đường này của Thực dân Pháp trở nên khó khăn gấp bội phần khi phải bay cao thả dù từ độ cao 2000 đến 3000m. Một nửa số dù hàng đã rơi vào trận địa của ta, trong đó có nhiều dù hàng có giá trị. Một trong số những dù hàng bị mất phải kể đến chiếc lon thiếu tướng của De Castries và một số đồ mừng được gửi từ Hà Nội khi cuộc chiến đang trong hồi ác liệt. Mặc dù khá phấn khích trước sự thăng chức này nhưng cũng khiến cho buổi lễ ăn mừng được lên lon sau đó khá ảm đạm và hẳn nhiên De Castries còn nhiều lo toan hơn niềm vui vừa đến với mình.

Sau khi chiếm được cứ điểm A1, chiếc chìa khóa then chốt của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mất, hầm chỉ huy của De Castries nằm trong tầm hỏa lực của Việt Minh. Các cuộc điện thoại, điện đàm, thương lượng với các kế hoạch cứu nguy, giải thoát, trốn chạy được diễn ra liên tiếp nhằm tìm lối thoát tối ưu nhất. Trong cái ngày định mệnh 7 tháng 5 năm 1954, rõ ràng De Castries cũng đã có phần tiên liệu từ trước đó, chỉ rằng nó đến quá nhanh. Bằng thái độ của một quân binh thực thụ, De Castries đã hứa là sẽ tử thủ đến cùng; bằng bản năng con người ham sống sợ chết, De Castries cùng Bộ chỉ huy của mình đã đầu hàng trước hai hàng gọng súng của Việt Minh khi họ đầy khí thế tiến thẳng vào đây. Và cái kế hoạch chạy trốn sang Thượng Lào đã được bàn tính trước đó đã mãi mãi không bao giờ thực hiện được.

Trước đó ta có khá ít thông tin về De Castries. Những người lính đã bắt sống De Castries cũng chưa được nhìn thấy ảnh ông ta trước đó. Đó là một con người có dòng giõi quý tộc và thừa hưởng nghiệp nhà binh từ dòng tộc. Với nhiều thành tích trong các trận chiến tại Tây Âu và tính cách ngang tàn, dám nghĩ, dám làm, có thể hiểu vì sao Nava lại chọn một Đại úy thay vì một thiếu tướng với tầm quan trọng của Điện Biên Phủ. Ở Điện Biên Phủ, De Castries hi vọng sẽ đứng trên bục danh vọng và địa vị; nhưng tiếc thay nó lại trở thành mồ chôn những ảo tưởng, hống hách và tham vọng.

24 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, toàn bộ lính Pháp tại Điện Biên Phủ đầu hàng. Tin chiến thắng nhanh chóng lan truyền ra cả nước, để rồi một ngày sau đó, hội nghị Giơnever bàn đến vấn đề Đông Dương, ta lại giành được thêm chiến thắng quan trọng về chính trị. Thực dân Pháp đã chính thức cuốn cờ, rút quân khỏi Đông Dương, miền Bắc thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tại hầm De Castries, còn diễn ra một đám cưới có một không hai chỉ vài ngày sau khi tên tướng bại trận bị bắt. Tiệc cưới với những chiến lợi phẩm thu được của địch với rượu tây, thuốc lá thơm, ... được bày biện khá đẹp mắt, xung quanh bồng bềnh những chiếc dù thu được với đủ màu sắc. Không có gia đình, họ hàng thân thích, chủ hôn chính là cấp chỉ huy tại đơn vị dưới sự chứng kiến của khoảng 40 đến 50 khách là đồng đội của họ. Chú rể chính là Cao Văn Khánh, Đại đoàn phó Đại đoàn 308 sau này trở thành Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; còn cô dâu là Nguyễn Thị Ngọc Toản, là y tá mặt trận, sau này trở thành Đại tá, bác sỹ sản phụ khoa đầu ngành của nước ta.

Hiện nay tại di tích hầm De Castries đã được xây dựng công trình mái che hiện vật ngoài trời, là kết quả của việc đẩy mạnh công tác “xã hội hóa” trùng tu, tôn tạo di tích, đã góp phần bảo vệ di tích này một cách tối ưu nhất, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước. Di tích hầm De Castries mãi là minh chứng cho tinh thần chiến đấu bất diệt và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có thể đánh bại bất cứ kẻ thù xâm lược nào.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.753
      Online: 56