Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn, ta đã phát huy được cao độ sự đóng góp và tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân trong việc mở đường, sửa đường, cung cấp và vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược thuốc men ra mặt trận. Đảng ta xác định mở đường, sửa đường cũng là nhiệm vụ, có vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết định đến thắng lợi chung của toàn chiến dịch.

Mặt trận Điện Biên Phủ là thung lũng lòng chảo, được bao bọc bởi những dãy núi cao và rừng rậm. Hậu phương của ta lại cách xa, từ Yên Bái lên dài 400 km, từ Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh cũng phải 500 đến 600km và cách chiến khu Việt Bắc tới 700km. Đường cơ giới lên Tây Bắc độc nhất có đường 41, chạy từ Hòa Bình qua Mộc Châu, Sơn La, đến Tuần Giáo rất khó đi. Con đường này đi giữa núi rừng hiểm trở, vượt qua nhiều núi cao, suối sâu, lòng đường hẹp, cầu yếu, nhiều đoạn bị sụt lở. Từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ hơn 80km, không có đường ô tô, chỉ có đường cho người đi bộ và ngựa thồ, nhưng do ít đi lại nên có đoạn mất cả vệt đường. Đường số 13 từ Yên Bái qua bến phà Tạ Khoang sang Sơn La gặp đường 41 ở Cò Nòi cũng chỉ có ngựa thồ và người đi bộ đi được.

Do yêu cầu của chiến dịch trong việc vận chuyển cung cấp lương thực, thực phẩm và vũ khí đạn dược ra mặt trận, mặt khác đây là chiến dịch đầu tiên quân ta đánh hiệp đồng binh chủng có sử sụng các loại pháo cỡ lớn có xe kéo đồng thời phải đảm bảo yếu tố bí mật. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là mở đường và sửa đường.

Mở đường và sửa đường là công việc nặng nhọc nguy hiểm. Chỉ với những dụng cụ thô sơ là chiếc cuốc, xẻng, choòng, búa các quân và dân ta phải làm việc tích cực trong nhiều ngày, nhiều tháng trước chiến dịch. Ta đã huy động lực lượng từ các đoàn thể, quần chúng nhân dân các tỉnh miền Bắc, đồng bào từ miền xuôi đến miền ngược đều hăng hái tham gia sửa đường, mở đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Để chuẩn bị cho chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, Trung ương Đảng và Chính phủ đã phát động “chiến dịch cầu đường”, huy động hàng chục vạn dân công cùng bộ độ, công binh, thanh niên xung phong mở mới và sửa chữa các con đường từ Việt Bắc xuống đồng bằng Khu 3, Khu 4 và lên Tây Bắc. Từ tháng 6 năm 1953, Trung ương Đảng đã ra chỉ thị cho các Liên Khu nhanh chóng thực hiện kế hoạch làm đường và sửa sang lại mạng lưới giao thông, chuẩn bị phương tiện vận tải, huy động hàng ngàn xe thồ, thuyền nan, bè mảng…phục vụ cho chiến dịch. Hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân công được huy động vào mặt trận làm đường. Trên chiến trường Tây Bắc, tiểu đoàn công binh 106 thuộc Trung đoàn công binh 151 cùng vói hàng nghìn dân công, thanh niên xung phong, tập trung mở 87km đường 13, qua các đèo Lũng Lô, Phiềng Ban, qua suối sâu, đèo cao nối liền đường 13 với đường 41. Đây là đường huyết mạch nối liền từ hậu phương Việt Bắc với tiền tuyến Tây Bắc được hình thành.

         Để đảm bảo cơ động cho xe cơ giới, đối phó với sự đánh phá ác liệt của địch, ở một số quãng đường xung yếu, một số trọng điểm, ta phải mở thêm đường vòng, đường tránh để đảm bảo cho việc vận chuyển thông suốt, tránh được thế độc đạo khi bị địch tập trung bắn phá ác liệt. Ngoài ra ta còn mở được nhiều tuyến cho xe trâu, xe đạp thồ, ngựa thồ và phá thác, khai thông đường thủy, để vận chuyển bằng thuyền, mảng. Hàng triệu ngày công đã được huy đổng để mở và sửa hàng trăm nghìn km đường bộ khai thông các tuyến đường từ hậu phương lên chiến trường Tây Bắc.

Phát triển những kinh nghiệm đã có trong các chiến dịch trước đây, Đảng ta đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân, lấy công binh làm nòng cốt, tham gia xây dựng mạng lưới đường xá. Trên khắp các nẻo đường tiến lên Điện Biên Phủ, đâu đâu cũng có những công trường thủ công để mở đường, sửa đường, làm cầu mà thành phần tham gia, ngoài các chiến sĩ công binh ra, chủ yếu là thanh niên xung phong, dân công đến từ các vùng miền trong cả nước, miền xuôi, miền ngược, vùng tự do, vùng hậu địch, vùng mới giải phóng. Tất cả, với khẩu hiệu “Tất cả vì chiến thắng Điện Biên Phủ”, đã không quản gian khổ ác liệt, quyết tâm mở đường cho chiến dịch thắng lợi. Đường 13 Yên Bái - Cò Nòi thường xuyên có trên  20.000 dân công, khối lượng đất đá đào đắp lên tới 870.000m3. Đường xuyên Liên khu III, Liên khu IV lên Điện Biên Phủ với trên  26.000 dân công thường xuyên làm trên mặt đường. Để sửa chữa và mở rộng con đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ, bộ đội và dân công đã vân chuyển từ các lòng suối lên mặt đường 18.000m3 đá, chặt và vận chuyển  từ rừng xa về 92.000m3  gỗ để chống lầy và bắc 90 cầu lớn nhỏ qua suối (theo số liệu của Tổng cục hậu cần).

Trên những tuyến đường nối từ hậu phương với chiến dịch và đường cơ động kéo pháo vào trận địa thì lực lượng tham gia chủ yếu là công binh giữ vai trò nòng cốt kỹ thuật và lực lượng còn lại đa phần là các các chiến sĩ bộ binh, pháo binh chiếm 9/10 tổng số lực lượng tham gia làm đường kéo pháo. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng bộ binh, pháo binh, công binh đã khắc phục mọi khó khăn, bí mật mở mới 6 con đường cơ động dùng để kéo pháo đến sát trận địa, đúng thời gian quy định.

Với quyết tâm cao, chỉ trong một thời gian ngắn, quân và dân ta đã hoàn thành sửa chữa và mở rộng các con đường số 41, đường số 13 và đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ tạo nên nhựng trục chính của tuyến vận tải phục vụ chiến dịch, bảo đảm cho xe vận tải và xe kéo pháo vào tới vùng phụ cận Điện Biên Phủ.

Để  ngăn chặn bước tiến của quân ta, trọng tâm là nguồn tiếp tế vận chuyển lương thực, thực phẩm, thực dân Pháp đã cho máy bay ném bom, bắn phá ác liệt vào các tuyến đường chính mà địch nghi ngờ. Navarre đã ra lệnh cho không quân của chúng: “Tập trung vào các đánh phá giao thông vận tải, đặc biệt là các ô tô vân tải, và vào các đường giao thông của Việt Minh”. Các tuyến đường có vị trí xung yếu như cầu, phà, đèo, dốc ngoài việc ném bom, địch còn sử dụng cả bom nổ chậm, bom bươm bướm, bom lù để ngăn chặn bộ đội ta hành quân và vận chuyển lương thực thực phẩm vào mặt trận. Đặc biệt ở ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn - Sơn La) là nút giao thông quan trọng, là giao điểm của đường số 13 từ Việt Bắc sang đường 41, được xem là “cửa ngõ” vào chiến trường Điện Biên phủ của quân ta. Vì vậy, khu vực Cò Nòi đã trở thành “túi bom” của quân Pháp. Chúng cho máy bay đánh phá ác liệt suốt ngày đêm, có ngày ném đến trên 300 quả bom các loại… Nhưng với ý trí và nghị lực phi thường quân và dân ta vượt lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đầu tháng 2 - 1954, thực dân Pháp tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt các tuyến đường lên Tây Bắc, hòng cản sự tiếp viện của hậu phương ra chiến trường. Tại bến phà Âu Lâu và đèo Lũng Lô, địch đã ném xuống 2.070 quả bom, có những thời điểm, tại đèo Lũng Lô địch ném xuống 200 quả bom. Trong suốt chiến dịch, mỗi ngày có từ 16 đến 18 chiếc máy bay địch oanh tạc từ 5 đến 6 lần. Với tinh thần "Nhất định mở đường cho xe ta ra chiến trường tiếp viện", hàng vạn lượt dân công ngày đêm bám đường, bảo đảm thông suốt mạch máu giao thông. Địch phá ta sửa ta đi, địch ném bom phá đoạn này ta mở đoạn khác; địch phá ban ngày ta mở đường ban đêm... Với tinh thần "Quyết chiến, quyết thắng" của quân và dân trên từng công trường tốc độ vận tải cho chiến trường từ 3km/giờ được nâng lên 13km/giờ; từ 8 đến 9 xe qua bến phà Âu Lâu trên sông Hồng lên 90 xe qua sông; giảm thời gian vượt sông của phà từ 30 phút xuống còn 15 phút tại các tọa độ lửa như bến Âu Lâu, Ngòi Lâu, Ngòi Mười. Giặc Pháp đã dùng bom đạn để biến sông Hồng thành rào cản chặn đứng đoàn quân chi viện cho tiền tuyến. Mặc cho bom rơi, đạn nổ, pháo sáng, nhân dân các xã ven sông Hồng thuộc huyện Trấn Yên, Văn Bàn và xã Nguyễn Phúc (ngày nay là Trấn Yên, Văn Yên và TP Yên Bái) đã đóng hàng trăm thuyền, bè, mảng vận chuyển huy động 2.700 ngày công và 650 xe đạp thồ cho chiến dịch.

Mở đường, sửa đường cho việc đi lại vận chuyển thuận lợi, đây mới chỉ là bước cơ bản đầu tiên. Việc giữ cho thông đường, thông xe trong mọi tình huống để nhanh chóng kịp thời đưa pháo ra tiền tuyến, đưa lương thực, đạn dược lên phía trước, thì mới thực sự phát huy được tác dụng của đường xá.

Đặc biệt việc tháo gỡ bom nổ chậm trên các trục đường giao thông chính do Trung đoàn công binh 151 phụ trách, Trung đoàn đã thành lập một tổ chuyên nghiên cứu phá bon nổ chậm. Tổ này đã sưu tầm các loại đầu nổ thu được của địch, nghiên cứu nguyên lý hoạt động của chúng, tổ chức các đài quan sát ở các trọng điểm để đếm bon rơi, xác định vị trí bom nổ chậm, và theo dõi hoạt động của địch để tìm ra quy luật đánh phá của chúng và quy luật bom nổ. Với tinh thần gan dạ, bền bỉ, miệt mài nghiên cứu các chiến sĩ công binh đã nắm bắt được quy luật hoạt động của bom nổ chậm, tổ nghiên cứu đã phổ biến phương pháp, kỹ thuật cũng như kinh nghiệm phá bom nổ chậm cho mọi người cùng biết. Không phải chỉ có những chiến sĩ công binh biết phá bom nổ chậm, mà một bộ phận thanh niên xung phong, dân công cũng biết cách phá bom.

Thực dân Pháp ngày càng thả nhiều bom nổ chậm xuống các tuyến đường giao thông vận tải của ta. Việc phá bom nổ chậm đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ tuyến đường. Vì mỗi khi địch thả bom đánh phá trọng điểm nào thì lập tức các chiến sĩ trên đài quan sát đếm bom, đánh dấu trên sơ đồ. Máy bay địch rút là tổ cắm cờ đi trước đánh dấu vị trí bom nổ chậm, tổ tháo gỡ đi sau nhanh tróng tháo gỡ các đầu nổ và san lấp đường không để ùn tắc giao thông. Trên khắp các trận địa mặt đường, công binh cùng dân công thanh niên xung phong ngày đêm bám trụ tháo gỡ bom mìn. Dưới làn mưa bom đạn của địch, lực lượng dân công thanh niên xung phong kiên trì bám trụ mặt đường đảm bảo cho giao thông thông suốt.

Khi chiến dịch bước vào đợt tấn công thứ hai, trời mưa nhiều làm cho đường xá đi lại gặp nhiều khó khăn. Với địa hình dốc cao, nhiều suối, mưa nhiều và lâu, đường bị lầy lún, đất sụt, đá lăn, cây đổ, lấp mặt đường làm cho giao thông ngừng tắc. Quân và dân ta đã khắc phục mọi khó khăn, nạo vét bùn đất, san lấp mặt đường, dùng gỗ, đã kè chắn không cho đường sạt. Dù cho địch có dải bom phá đường, trời có mưa lầy lội đi chăng nữa cũng không cản được ý chí và quyết tâm của quân và dân ta trong việc mở đường, giữ đường. Bảo đảm cho mạch máu giao thông thông suốt, tiếp tế cho mặt trận đày đủ kịp thời.

Trên khắp các trục đường tiến lên Tây Bắc đâu đâu cũng dộn vang tiếng nói cười của anh chị em dân công, thanh niên xung phong đang san lấp mặt đường, tháo gỡ bom mìn đảm bảo cho thông được thuận lợi. Những đoàn người và xe vận tải lần lượt nối đuôi nhau tiến ra mặt trận. Mở đường, sửa đường giúp cho việc vận chuyển tiếp tế lương thực, thực phẩm cùng thuốc men đạn dược ra mặt trận thuận lợi, đảm bảo được những nhu cầu cần thiết cho quân ta chiến đấu với kẻ địch. Đồng thời việc bảo vệ các tuyến đường đảm bảo cho giao thông vận tải thông suốt cũng góp phần không nhỏ vào thành công chung của toàn chiến dịch. Tạo nên sự bất ngờ lớn đối với quân địch về việc vận chuyển tiếp tế cho mặt trận.

Những gì quân và dân ta làm được trong việc mở đường, sửa đường và giữ đường trong chiến dịch Điện Biên Phủ đều đã  vượt ra ngoài sự tính toán của quân địch. Làm cho quân địch bị bất ngờ về khả năng chống đỡ và chịu đựng khó khăn gian khổ của quân và dân ta. Đó cũng chính là lý do vì sao quân Pháp thua trận tại Điện Biên phủ. Nhân nhân Việt Nam ở trong bất kì hoàn cảnh nào cũng biết vươn lên là chủ được hoàn cảnh, hoàn thành được những nhiệm vụ khó khăn, gian nan nhất, luôn săn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
       Liên kết website
      Thống kê: 697.824
      Online: 35